Giữa miền biên viễn Đông Bắc Việt Nam, nơi hội tụ vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, bản sắc văn hóa và lịch sử nghìn đời, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thiên nhiên, mà còn là “cuốn sử sống động” ghi dấu hơn 500 triệu năm tiến hóa của Trái đất. Với diện tích trải rộng trên 4.800 km², nơi đây là một kho báu địa chất quý giá, chứa đựng những lớp trầm tích cổ đại, những chứng tích hóa thạch hiếm có và minh chứng cho sự gắn bó lâu dài giữa con người với thiên nhiên.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn huyện Bắc Sơn
*Từ đáy đại dương cổ đến “bảo tàng đá vôi” giữa trời
Cách đây khoảng nửa tỷ năm, nơi ngày nay là vùng đất Lạng Sơn từng chìm sâu dưới lòng một đại dương cổ. Trong lòng biển ấm và nông ấy, sinh vật nguyên thủy như bọ ba thùy, graptolit và các loài động vật không xương sống đã từng sinh sôi nảy nở, để lại dấu vết hóa thạch rõ nét trong lớp đá trầm tích. Theo thời gian, biển cả rút đi, để lại những tầng đá vôi lộ thiên, ghi lại từng bước chuyển mình của lịch sử địa chất.
Trải qua hàng trăm triệu năm vận động kiến tạo, các lớp đá không chỉ bị nâng lên mà còn bị uốn nếp, đứt gãy, tạo nên những núi đá tai mèo sắc nhọn, các thung lũng phân tầng cùng hệ thống hang động kỳ ảo. Đây chính là nơi du khách có thể bước đi trên những phiến đá ghi dấu từng con sóng của biển cổ, chiêm ngưỡng những đường vân địa chất như nét vẽ của thời gian.
Ảnh: Đại dương cổ Yên Bình, xã Yên Thịnh huyện Hữu Lũng
*Na Dương – đầm lầy nhiệt đới thời cổ và hóa thạch động vật quý hiếm
Khoảng 40 triệu năm trước, vùng Na Dương – nay thuộc huyện Lộc Bình – từng là một đầm lầy nhiệt đới, nơi tồn tại hệ sinh thái đa dạng bậc nhất thời bấy giờ. Tại đây, các loài như tê giác, hà mã nguyên thủy, cá sấu, rùa, cùng nhiều loài động vật bản địa khác sinh sống và để lại dấu tích rõ nét trong tầng than bùn.
Ngày nay, trong quá trình khai thác mỏ than Na Dương, người ta đã phát hiện nhiều mẫu hóa thạch xương, răng, vỏ trứng, thậm chí cả hóa thạch của thực vật cổ đại, cung cấp tư liệu quý giá về điều kiện môi trường và sinh học của thời kỳ này. Đây được xem như “chứng nhân sống” kể lại một chương sử sinh học độc đáo, không chỉ giúp khoa học hiểu rõ hơn về lịch sử tiến hóa mà còn mở ra tiềm năng lớn cho phát triển du lịch khoa học, giáo dục.
Ảnh: Trũng Na Dương
*Dấu chân người nguyên thủy: Từ hang Thẩm Khuyên đến văn hóa Bắc Sơn
Tiến gần đến thời đại của con người, khoảng nửa triệu năm trước, dấu tích đầu tiên của người tiền sử được phát hiện tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai – những hang động đá vôi sâu thẳm nay thuộc huyện Bình Gia. Những mảnh công cụ bằng đá, dấu vết lửa trại, tầng cư trú cổ... được tìm thấy tại đây chính là minh chứng cho bước ngoặt chuyển mình từ tự nhiên sang nhân loại.
Từ đây, dòng chảy văn hóa nối tiếp qua các thời kỳ như văn hóa Bắc Sơn, văn hóa Mai Pha... hình thành và phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự can thiệp ngày càng rõ rệt của con người vào cảnh quan – từ săn bắt hái lượm đến định cư nông nghiệp, từ trú ngụ hang động đến xây dựng bản làng.
Câu chuyện của Lạng Sơn không chỉ là địa chất, mà còn là sự đan xen giữa thiên nhiên và văn hóa, giữa những biến động vĩ mô của hành tinh với nhịp sống con người qua hàng ngàn thế kỷ.
Ảnh: Hang Thẩm Hai – Thẩm Khuyên
*24 hệ tầng – Di sản địa chất quý giá từ lòng đất
Qua quá trình nghiên cứu và khảo sát, các nhà địa chất xác định toàn bộ khu vực công viên địa chất Lạng Sơn bao gồm tới 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn – một con số ấn tượng thể hiện tính đặc hữu và giá trị khoa học đặc biệt của vùng đất này.
Một trong những hệ tầng nổi bật nhất là khối đá vôi Bắc Sơn, rộng khoảng 1.500 km², hình thành từ trầm tích biển cổ. Đây là khu vực có cảnh quan đặc sắc với những núi đá vôi sừng sững, hang động nguyên sơ, thung lũng lòng chảo, tạo thành khung cảnh ngoạn mục và huyền bí – lý tưởng cho du lịch sinh thái, leo núi, khám phá hang động và nghiên cứu địa chất chuyên sâu.
*Giá trị kép: Di sản – Du lịch – Tương lai bền vững
Không chỉ dừng lại ở giá trị địa chất hay lịch sử, Công viên địa chất Lạng Sơn còn mang trên mình sứ mệnh phát triển bền vững. Việc bảo tồn các di sản địa chất quý giá đi đôi với khai thác du lịch có trách nhiệm đang là hướng đi chủ đạo của tỉnh. Hơn 200 hang động, hàng loạt thác nước, rừng nguyên sinh và các điểm di tích lịch sử – văn hóa đã và đang trở thành điểm nhấn trong các tour du lịch trải nghiệm, du lịch học đường, và du lịch cộng đồng.
Du lịch tham quan vùng công viên địa chất huyện Văn Quan
Người dân địa phương cũng được truyền cảm hứng và hưởng lợi từ công viên địa chất: sản phẩm thủ công, làng nghề truyền thống, ẩm thực bản địa được quảng bá rộng rãi, góp phần nâng cao sinh kế và gìn giữ bản sắc.
Việc được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu không chỉ là niềm tự hào mà còn là cam kết mạnh mẽ của Lạng Sơn trong việc bảo tồn và phát triển hài hòa giữa thiên nhiên, con người và di sản. Đây chính là “tấm vé” đưa Lạng Sơn bước ra thế giới với vai trò là điểm đến đặc sắc của du lịch địa chất toàn cầu.
Ảnh: Hát then
*Khám phá Lạng Sơn – Khám phá Trái đất trong lòng đất
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn không chỉ là điểm đến, mà là nơi khởi đầu cho những cuộc phiêu lưu khoa học, những trải nghiệm nhân văn và hành trình kết nối lịch sử Trái đất. Từng lớp đá, từng thung lũng, từng hang động ở đây đều là những trang sách thiên nhiên kỳ vĩ chờ được khám phá.
Nếu bạn là người đam mê địa chất, yêu thiên nhiên, trân trọng lịch sử hay đơn giản chỉ là tìm kiếm một miền đất nguyên sơ để khám phá – thì Công viên địa chất Lạng Sơn chính là lời mời gọi đầy cuốn hút.
Ảnh: Hố sụt Thẩm Lũm huyện Bình Gia
Nguyễn Thị Thu Thảo